Lễ Vu Lan chứa đựng tinh thần truyền thống báo hiếu, báo ân, phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thiêng liêng của người Việt. Trong hàng nghìn năm lịch sử, Lễ Vu Lan báo hiếu luôn là sức sống văn hóa mạnh mẽ nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người Việt Nam.
Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ “Hiếu” mà con cái gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt Nam cứ đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa màu đỏ lên áo, ấy là biểu tượng của việc còn Mẹ – Cha. Ngược lại, hoa hồng trắng dành cho những ai đã mất Mẹ
Sáng ngày 25/8/2024, tại chùa Oai Đức ( phường Chánh Mỹ, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã trang nghiêm diễn ra buổi lễ Vu lan Báo hiếu với chủ đề: “ngàn hoa dâng lên mẹ”. Chủ trì buổi lễ do Ni sư Thích nữ Từ Thảo – Viện chủ chùa Oai Đức; Sư cô Thích nữ Thảo An – Trụ trì chùa Oai Đức; cùng chư Tôn đức Ni và Phật tử đồng tham dự.
Vào ngày này, bắt đầu từ sáng, các Phật tử đã hân hoan về chùa để tham dự lễ Vu lan để hướng về cội nguồn và bày tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Lễ Vu Lan đã trở thành một sự kiện thường niên nhằm nhắc nhở người con Phật hãy trân trọng những gì mình đang có và thực hiện lòng hiếu thảo.
Ngày nay, Lễ Vu Lan không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng, mà đã trở thành một lễ hội truyền thống, có tác động sâu sắc đến văn hóa Việt Nam và đời sống tâm linh của mỗi người Việt Nam, để mọi người luôn nhớ về cội nguồn dân tộc, uống nước nhớ nguồn.
Theo giáo lý nhà Phật, mọi người có thể bày tỏ lòng hiếu thảo và lòng biết ơn đối với cha mẹ của mình bằng nhiều cách khác nhau. Trong Lễ vu lan báo hiếu cha mẹ , những người có cha mẹ còn sống thường đeo một bông hồng đỏ trên ngực, và những người có cha mẹ đã chết đeo một bông hồng trắng.
Việc ghim hoa hồng lên ngực như nhắc nhở mọi người về lòng hiếu thảo của mình đối với cha mẹ, ai may mắn được cắm hoa hồng đỏ trên ngực áo thì nhớ phải hiếu thảo với cha mẹ, còn người đeo hoa hồng trắng thì đừng bao giờ quên cha mẹ.
Có mặt ở buổi lễ bông hồng cài áo tại chùa Oai Đức, em Trần Hoàng Châu xúc động nói: “Vu lan này con may mắn hơn rất nhiều người khi được có mẹ bên cạnh, cùng đi chùa, được cài lên ngực áo mình cánh hoa đỏ. Giữa những ngày tu học ở khóa tu mùa hè, Qua những bài giảng, lời kinh, pháp thoại của Ni sư Thích nữ Từ Thảo đã hướng dẫn và chia sẻ với tất cả mọi người trong khóa tu, con đã hiểu ra và dành thời gian nhiều hơn bên gia đình, giúp mẹ nấu cơm hoặc rữa chén…”
Phát biểu trong buổi lễ: ngàn hoa dâng lên me, Ni sư Thích nữ Từ Thảo -cho biết: Trong tim con, mẹ là người quan trọng nhất. Mẹ dạy con biết ăn, biết nói, dạy con từng con chữ vầng thơ. Mẹ từng thức nhiều đêm liền chỉ vì con ốm, đau. Mẹ mang nặng 9 tháng, ẵm con trên vòng tay ấm áp suốt 3 năm ròng và lo lắng, nuôi dạy con suốt quãng đời còn lại của mình. Ngày Vu Lan báo hiếu, do vậy, sự cưu mang của tình mẫu tử vô cùng thiêng liêng hơn tất cả các tình thương.
Khi chúng ta càng lớn lên thì thời gian còn lại của bố mẹ sẽ ngày càng ít đi, và đến một lúc nào đó, con số này sẽ bằng 0. Vậy làm cách nào để ta có thể đền ơn, báo hiếu cha mẹ tốt nhất? Khi mà chúng ta luôn cho rằng mình có rất nhiều thời gian. Thế là chúng ta lao đầu vào công việc và những dự định, rồi ta vô tâm đến mức quên lời hỏi han cha mẹ những khi trái gió trở trời, quên cuộc điện thoại về nhà những khi bộn bề sớm muộn.
Ấy vậy mà, cha mẹ vẫn luôn lặng lẽ ở phía xa ngóng trông chúng ta, dành cho ta tình yêu thương vô điều kiện, Mình nhiều khi thiếu sót, bận quá không gọi điện thoại nhưng mẹ mình thì không thiếu bổn phận với mình. Mình ít có khi nào gọi hỏi thăm mẹ mình khỏe không, chứ mẹ mình luôn gọi để xem mình có khỏe không, tháng này làm có đủ đóng tiền trọ rồi có dư tiền mua sữa cho cu Tí không?”
Hãy trở về, bỏ qua những lo toang phiền muộn thường nhật và nói, nói với mẹ rằng: con thật hạnh phúc khi có mẹ là mẹ của con”.
Nguyễn Quí – Ban TT.TT Phật giáo Bình Dương.