Đạo Phật và khoa học

Giới thiệu sách:
Đạo Phật và khoa học

Ngay trong lời dẫn cuốn sách, tác giả Paul Dahlke Ph.D đã trích dẫn câu nói nổi tiếng của nhà bác học Einstein với một nhận định thâm trầm về Phật học: “Tôn giáo trong tương lai phải là một tôn giáo mang tầm vóc vũ trụ. Tôn giáo đó phải vượt lên trên một Thượng Đế được xây dựng theo hình ảnh con người và tránh được giáo điều cùng thần học. Vì bao hàm được cả yếu tố tự nhiên và tinh thần, nó phải đặt nền tảng trên một cảm thức tôn giáo được phát khởi từ kinh nghiệm về vạn hữu như là một Thế Nhất Như đầy ý nghĩa, trong thế giới tự nhiên lẫn tinh thần. Đạo Phật đáp ứng được điều này. Nếu có một tôn giáo nào có thể đương đầu được với những yêu cầu của khoa học hiện đại, thì đó sẽ là đạo Phật”.
Cuốn sách này ra đời khi mà ở phương Tây, người ta còn đang mê muội với chiếc đũa thần khoa học, xem nó là chiếc chìa khóa vạn năng để mở toang mọi cánh cửa huyền vi của tạo hóa. Người ta tin tưởng rằng ánh sáng khoa học sẽ vén được những tấm màn sương mù huyền thoại về tôn giáo để con người nhìn vào hiện thực.
Suốt tác phẩm, khi phân tích và đối chiếu giáo lý Đức Phật với các bộ môn khoa học như vật lý học, sinh lý học, sinh học với các vấn đề tư tưởng…tác giả đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng chỉ có đạo Phật mới thực sự là tôn giáo về hiện thực. Vượt lên trên 2 thế giới quan được xây dựng trên đức tin của tôn giáo và trên căn nguyên túc lý của khoa học.
Khi chưa nắm được bản chất tinh yếu của khoa học thì ta không thể khẳng định một cách mơ hồ rằng Phật giáo đáp ứng được yêu cầu của nó, dù ta có thâm hiểu Phật giáo sâu đến đâu. Cũng thế, nếu chưa nắm được giáo lý thâm huyền của Đức Phật thì ta không thể nhìn thấy được mối quan hệ của nó với thế giới quan khoa học, dù ta có những kiến thức uyên bác về khoa học. Chỉ có những người thấu hiểu bản chất tinh yếu của khoa học lẫn Phật giáo mới có thể chỉ ra mối quan hệ giữa khoa học và Phật giáo một cách thấu đáo mà thôi. Cuốn sách “Đạo Phật và khoa học” mang ý nghĩa như thế!

Đôi điều về tác giả:
Paul Dahlke (1865-1928) là một Phật tử thuần thành người Đức. Ông có kiến thức sâu rộng về Phật giáo nguyên thủy. Do đức tin và khoa học không làm thỏa mãn được một tâm hồn thông tuệ đầy thao thức như ông nên ông đã tìm kiếm đến đạo Phật. Ông sang Tích Lan nghiên cứu văn học Phật giáo Pali, dịch kinh điển và xuất bản nhiều tờ báo Phật giáo tại Đức. Mong muốn của ông là giới thiệu giáo lý Đức Phật dưới cái nhìn của khoa học hiện đại.

T.V.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *