Bình Dương: Kính Mừng Ngày Phật Thích Ca Thành Đạo

 NGÀY PHẬT THÀNH ĐẠO 8/12 ÂL

Thái tử Tất Đạt Đa thuộc giai cấp Sát Đế Lợi, dòng họ Thích Ca, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da. Khi trưởng thành, Thái tử tìm cách thoát ra ngoài cung vàng điện ngọc… để cảm nhận cuộc sống đương thời và nỗi thống khổ chung về sanh, lão, bệnh, tử mà con người phải gánh chịu.

Sau quá trình học đạo với những đạo sĩ trứ danh của Ấn Độ đương thời, Ngài vẫn không thỏa mãn với những gì mà Ngài đạt được từ những vị đạo sư truyền dạy. Ngài quyết định từ bỏ các vị thầy, đến Khổ Hạnh Lâm cùng tu với năm anh em Kiều Trần Như. Suốt sáu năm khổ hạnh ép xác, bấy giờ thân thể Ngài chỉ còn lại da bọc xương, tinh thần mỏi mệt như một đống lửa sắp tàn. Nhận thấy lối tu này không mang lại kết quả gì cả, Ngài quyết định từ bỏ.

Giã từ đời sống khổ hạnh, Ngài quyết định đi đến sông Ni Liên Thiền để tắm nhưng do kiệt sức, Ngài ngã khuỵu trên bờ sông, Sujata dâng cho Ngài bát sữa, Ngài nhận lấy bát sữa của nàng Sujata, từ từ đưa lên môi và uống hết bát sữa, sức khỏe và tinh thần giờ đây trở lại bình phục, Ngài đến tắm ở sông Ni Liên Thiền, trở lên bờ tĩnh toạ dưới gốc cây Tất Bát La với thảm cỏ Kusa do chú bé chăn bò tặng và phát đại nguyện lớn, nếu không đạt đạo sẽ không đứng dậy.

 Suốt 49 ngày đêm tư duy thiền định, quán sát không gián đoạn, vào đêm thứ 49  khi sao mai mọc, Ngài chiến thắng ma quân, xóa tan màn vô tri đêm tối:

+ Đầu đêm chứng được Túc Mệnh Minh, thấy được tiền kiếp của mình;

+ Giữa đêm chứng được Thiên Nhãn Minh, thấy được tiền kiếp của chúng sinh và sự hình thành, hoại diệt của tất cả các pháp;

+ Cuối đêm chứng được Lậu Tận Minh, các lậu đã hết và thấy rõ đây là khổ, con đường đưa đến khổ, đây là vui, con đường đưa đến vui.

                                                 Và Ngài tuyên bố:

“ Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành

Việc cần làm đã làm

Từ đây không còn sinh tử nữa”.

Ngài thành Phật hiệu là Sakyamuni – Thích Ca Mâu Ni, bậc thánh của dòng họ Sakya.

Sau khi đắc đạo rồi, đức Thế Tôn ngồi quanh cội Bồ-đề ( Tất-bát-la) bảy tuần.

Tuần lễ đầu tiên, đức Phật ngồi không lay động dưới tán cây Bồ-đề để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát. Trong đêm cuối tuần, Phật xuất thiền và suy niệm về Thập Nhị Nhân Duyên.

Tuần thứ nhì, Phật đi về hướng Đông Bắc cách cây Bồ-đề một khoảng xa để chăm chú nhìn cây này trọn một tuần không nháy mắt, nhằm để tri ân sâu xa đối với cây Bồ-đề vô tri vô giác đã che mưa đỡ nắng cho Phật suốt thời gian chiến đấu để thành đạt đạo quả.

Tuần thứ ba, Đức Phật không rời nơi trú ngụ mà vẫn còn quanh quẩn ở cội Bồ Đề.

Tuần thứ tư, Phật ngự trong lầu ngọc ở về hướng Tây Bắc cây Bồ-đề. Kinh sách ghi nhận rằng khi Phật suy gẫm về lý Nhân Quả Tương Quan, bộ khái luận thứ 7 của Tạng Luận, tâm và thân Phật trở nên hoàn toàn tinh khiết và do đó phát tủa ra một vầng hào quang 6 màu.

Tuần lễ thứ năm, Phật ngự dưới cội Ajapàla chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát.

Tuần lễ thứ sáu, từ cây Ajapàla, đức Phật sang cây Mucalinda và ngự tại đây một tuần để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát.

Tuần thứ bảy, đức Phật bước sang cội cây Ràjayfatana và ở đó chứng nghiệm Quả Phúc Giải Thoát.

Đối với chúng sinh, ngày thành đạo của đức Phật thật sự phải được coi là một ngày nhân loại phát hiện ra một con đường tốt đẹp cho con người và cuộc đời. Mà người khai mở con đường đó là đức Thế Tôn. Đức Phật đã quán đạt được vũ trụ nhân sinh, đã phát hiện được căn nguyên khổ đau của con người muôn kiếp, đó là tham dục mê chấp.

Ngày giác ngộ của đức Thích Ca Mâu Ni đánh dấu một nỗ lực lớn lao của nhân loại muôn kiếp trên con đường Giải thoát.

Đức Phật thành đạo nơi cội Tất-bát-la cách đây gần 26 thế kỷ, nhưng câu chuyện tìm đạo của Ngài vẫn luôn là bài học lớn cho hàng đệ tử Phật. Khi mới phát tâm tu, đệ tử cần có thầy hướng dẫn đường lối đúng đắn để khỏi lạc lầm. Đang trong giai đoạn dụng công, cũng cần thầy bạn sách tấn và sửa chữa những sai sót, để khỏi sa vào những cám dỗ của ngoại ma. Nhưng vấn đề ngộ đạo lại khác, tự thân hành giả nỗ lực công phu, phải tự nhận ra Phật tâm nơi chính mình chứ không ai làm thay cho ai được.

Phù Du.