Đạo Phật là đạo giác ngộ trên tinh thần tự lợi tự tha, khi hành giả tu hành được giải thoát, vượt lên trên những khổ đau phiền trượt thì mới có thể hoằng hóa lợi tha, giúp chúng sanh thoát khỏi vô minh phiền não, còn người bị trói buộc trong sanh tử luân hồi thì làm sao có thể cởi trói độ thoát cho người khác được. Chúng tôi cho rằng, 3 tháng hạ chính là khoảng thời gian vô cùng quý báu để người tu hành có điều kiện nhìn kỹ lại chính mình, phát hiện những hạn chế yếu kém của bản thân, từ đó thành tâm sám hối và nỗ lực tu hành thì phiền não hoặc nghiệp mới có thể dần dần đoạn diệt. Một buổi lễ rất đặc biệt diễn ra vào cuối khóa an cư, đó là ngày Tự Tứ.
Ý nghĩa “Tự tứ”
Tự tứ theo tiếng Sanskrit (Phạn) là Pràvaràna, phiên âm Hán – Việt là Bát Hòa La hay Bát Lặc Đà Lặc Noa, từ Hán dịch là Tự tứ, có nghĩa là sự thỉnh mời, là mặc tình. Trong Phật học Đại Từ Điển, Khải Minh Thư Cục Đài Loan thì giải nghĩa từ Tự Tứ như sau: “Sử tha thanh tịnh tứ cử kỳ sở phạm chi tội, đối tha Tỳ kheo nhi sám hối chi”, nghĩa là “Khiến cho chúng Tỳ kheo thanh tịnh, người khác mặc tình nêu các tội mà mình đã vi phạm, mình sám hối các tội ấy với các vị Tỳ kheo”. Đồng thời giải nghĩa hai chữ “tùy ý” như sau: “Sở tùng tha nhân chi ý tứ cử kỳ sở phạm cố vân tùy ý”, có nghĩa là “Do ý của người khác mặc tình nêu lên sự sai phạm của mình thì gọi là tùy ý”.
Như những cách giải thích trên đây thì Tự Tứ là hình thức tập thể phê bình một cá nhân và cá nhân hoan hỷ nhận khuyết điểm, tỏ ra hối tiếc và hứa sẽ sửa chữa nếu mình có sai phạm. Cụ thể ở đây là sự việc một Tỳ kheo để cho các Tỳ kheo khác nêu ra những sai phạm của mình để từ đó vị Tỳ kheo này sám hối trước tập thể chư vị Tỳ kheo.
Khi nói đến Tự tứ cũng có nghĩa là chúng ta phải nói đến ý nghĩa Sám hối, vì Sám hối là nội dung không thể thiếu trong hành trang tu tập của bất kỳ người học Phật nào. Trong đời sống tu tập hằng ngày của chư Tăng, Ni, cũng như Phật tử tại gia, thì Sám hối (Parisuddhi) được thực hiện đều đặn mỗi tháng hai lần trước ngày Bố tát, trong đó, một Tỳ kheo tự phê bình kiểm điểm mình, tự giác nêu ra những sai sót của mình rồi thành tâm sửa chữa.
Vào những năm an cư đầu tiên, khi Tăng già mới được thành lập, gồm 500 vị A La Hán vây quanh Đức Phật, thì buổi Tự Tứ diễn ra thật đơn giản và đầy ý nghĩa của một tập thể thanh tịnh và hòa hợp. Đây là sinh hoạt của một cộng đồng gồm những vị đã chứng đắc Thánh quả, không bị ràng buộc bởi những Giới tướng. Thế nhưng càng về sau này thì những thể thức cũng như nội dung của buổi lễ Tự Tứ đã được bổ sung thêm vào rất nhiều, dẫn đến điều này là do đã có xảy ra nhiều trường hợp vi phạm giới luật, thiếu thanh tịnh và cũng là để ngăn ngừa những trường hợp đó.
Tự Tứ là một nội dung hết sức quan trọng để tổng kết quá trình tu tập của chư vị Tăng hay Ni. Đối với những ai vi phạm giới luật, buông lung theo ba nghiệp, hành động theo bản năng cố hữu, thì sẽ bị đại chúng cử tội, hoặc tự bản thân người đó phát lồ sám hối để sửa chữa khuyết điểm, hoặc tùy theo nặng nhẹ mà đại chúng chư Tăng có những hình thức kỷ luật tương xứng.
Như chúng ta thường thấy, tại các trường hạ, chư Tăng an cư trong 3 tháng, thường có 4 chữ “Tịnh nghiệp đạo tràng”, tức là tại những nơi đây đang xây dựng cảnh giới Tịnh độ trang nghiêm thanh tịnh. Thế nhưng muốn cho tâm hồn thanh tịnh thì đương nhiên chúng ta phải giác ngộ, mà muốn cho giác ngộ thì trước mắt chúng ta phải từ bỏ ác nghiệp, mà muốn đoạn trừ ác nghiệp thì chúng ta phải tha thiết sám hối, sửa chữa lỗi lầm. Đây chính là ý nghĩa và cũng là mục tiêu hàng đầu của “Tịnh nghiệp đạo tràng” trong 3 tháng an cư kiết hạ.
Tinh thần hướng thượng của Đạo Phật
Lễ Tự Tứ diễn ra vào ngày rằm tháng 7, ngày cuối cùng của mùa an cư kiết hạ.
Trong kinh Vu Lan Bồn, Đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên muốn cứu độ mẹ mình thì phải chờ sau 3 tháng an cư, thành tâm cúng dường nhân ngày chư Tăng Tự Tứ, đặng nhờ sức chú nguyện của chư Tăng thì mới có thể chuyển hóa được nghiệp lực và đem lại lợi lạc cho cha mẹ hiện đời cũng như quá vãng. Trên tinh thần cởi mở của người học đạo, chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng, tại sao Đức Phật dạy Tôn giả Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ thì phải chọn ngày chư Tăng Tự Tứ? Ngày Tự Tứ có ý nghĩa trọng đại như thế nào mà ngay cả chư Phật mười phương cũng quan tâm và hoan hỷ?
Như chúng ta đã biết, ngày chư Tăng Tự Tứ là ngày mà đại chúng phát lồ sám hối, nghĩa là đại chúng Tăng (Ni) mỗi người tự đem cái lỗi của mình ra phơi bày trước mọi người rồi thành tâm ăn năn sám hối, tự khắc kỷ bản thân sẽ không bao giờ phạm phải lỗi lầm đó nữa, kế đến tha thiết khẩn cầu đại chúng chỉ rõ những lỗi lầm sai phạm của mình (do chủ quan không nhận ra) để kịp thời khắc phục chuyển hóa bản thân.
Có thể nói đây là một tinh thần tu tập rất tự giác, một ý chí hướng thiện rất tuyệt vời, một hình ảnh vô cùng cao đẹp mà trên thế gian này hiếm có một tôn giáo nào thực hiện được điều đó. Cũng cần nói thêm, tinh thần tự giác và ý chí hướng thiện dõng mãnh của chư Tăng trong ngày Tự Tứ đã làm tăng thêm tính thuần khiết thanh tịnh trong tâm thể của chư Tăng vốn đã nghiêm tịnh trong suốt 3 tháng an cư kiết hạ vừa qua.
Từ ý nghĩa trọng đại của ngày chư Tăng Tự Tứ, chúng ta thử liên hệ và so sánh giữa tinh thần giác ngộ cũng như hướng thượng trong ngày chư Tăng Tự Tứ và tinh thần hướng thiện cao cả trong đời sống xã hội, để chúng ta có nhận thức đúng đắn và khách quan đối với tính thiêng liêng cao tột của ngày chư Tăng Tự Tứ.
Trong dân gian vẫn thường hay nói “xấu che, tốt khoe” và trong đời sống gia đình xã hội, thông thường cái gì xấu xa tội lỗi thì người ta hay che đậy, bưng bít, còn cái gì tốt đẹp, quý giá thì ai cũng tìm cách phô trương, khoe khoang trước mọi người. Đó là bản chất của cuộc sống và tâm lý chung của mọi người.
Quả đúng là vậy, trong đời sống thực tế, thật hiếm có người can đảm phơi bày cái lỗi của mình trước thiên hạ hoặc nhờ người khác chỉ rõ cái lỗi của mình để mọi người cùng biết. Thế nhưng đối với đệ tử Phật thì sự thể hoàn toàn ngược lại. Đệ tử Phật một khi đã giác ngộ chân lý, khi thấy mình có lỗi thì ngay đó thành tâm sám hối, chưa thấy thì nhờ người khác chỉ giùm để kịp thời sửa chữa và không tiếp tục sai phạm. Phải chăng đó là thực tế sinh động nhất về tinh thần hướng thượng và giác ngộ chân lý mà giới Tăng sỹ Phật giáo đã biểu hiện trọn vẹn trong ngày chư Tăng Tự Tứ.
Trong đời sống hàng ngày, nếu người nào thường hay nhìn lại mình, thường tự kiểm điểm bản thân, thường xấu hổ và xót xa mỗi khi bản thân gây ra lỗi lầm, thì người đó luôn có cơ hội thăng tiến trong cuộc sống. Và một điều chắc chắn rằng đời sống tinh thần và tâm linh của người này sẽ được an vui hạnh phúc, nhẹ nhàng thanh thản. Đồng thời người có tâm cầu tiến hướng thiện ắt sẽ được mọi người tin yêu, quý mến và nể trọng.
Đức Phật dạy rằng, trong đời sống có hai hạng người mạnh mẽ nhất: Một là người hoàn toàn trong sạch, nghĩa là người chưa từng chuốc lấy tội lỗi vào thân. Hai là hạng người khi đã phạm phải tội lỗi sai lầm mà biết xấu hổ, tha thiết ăn năn sám hối, thành tâm sửa chữa lỗi lầm đã gây ra. Như vậy rõ ràng là chư Phật luôn tán thán khen ngợi những người biết lỗi và thành tâm sữa lỗi, không chỉ thế, Đức Phật còn xác quyết hạng người này là mạnh mẽ nhất trong thế giới con người.
Tự Tứ và ý nghĩa báo hiếu
Chúng ta vẫn biết rằng ý nghĩa thiêng liêng của mùa Vu Lan báo hiếu được hình thành từ sự kết hợp chan hòa đồng nhất giữa sức chú nguyện và oai lực đại chúng Tăng thanh tịnh với tấm lòng hiếu đạo của những người con Phật.
Ở chùa chúng ta thường hay nói với nhau “phước chúng như hải” hay “đức chúng như hải”. Điều này có nghĩa là Phước hay Đức của đại chúng nó lớn lao, mênh mông như biển cả, chính nhờ điều này mà sự cộng tu trong 3 tháng cấm túc an cư sẽ tạo nên một tịnh nghiệp đạo tràng với đầy đủ phước đức cũng như trí tuệ, tạo nên thắng duyên rất lớn để từng hành giả tiến tu đạt đến quả vị giải thoát. Đồng thời, cũng chính môi trường thanh tịnh trong 3 tháng an cư mà nó sẽ đào thải tất cả những “con sâu làm rầu nồi canh” ra khỏi môi trường trang nghiêm thanh tịnh này. Thật vậy, 3 tháng an cư sẽ tạo ra nguồn đích thực năng lực vô cùng quý báu, nó sẽ hâm nóng và cụ thể hóa tinh thần thanh tịnh hòa hợp, cùng tu tập trong chánh niệm, chan hòa tinh thần tương thân tương ái và đoàn kết.
Lịch sử phát triển của Phật giáo đã qua nhiều trải nghiệm và đúc kết được một điều tối quan trọng là, Giáo đoàn muốn thật sự hòa hợp như nước với sữa, theo đúng bản chất của nó, thì buộc mỗi thành viên trong Giáo đoàn phải tự nỗ lực, trang nghiêm chính bản thân mình. Bậc Sa Môn Thích tử một khi đã lấy trí tuệ làm sự nghiệp như lời Đức Phật đã dạy, tất nhiên phải nghiêm trì giới luật và nỗ lực công phu thiền định. Ngược lại nếu không thường xuyên cùng nhau cảnh sách, giữ gìn giới luật, công phu bái sám, thực hành 37 pháp trợ đạo (Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát chánh đạo) mà một mình một cõi, tự tung tự tác, buông lung phóng dật, lang thang lãng tử rày đây mai đó, không ngừng tạo nghiệp bất thiện trong chốn nhân gian, thì rất khó cho việc thành tựu con đường tuệ giác, mà đã như vậy thì làm sao có thể hóa độ chúng sanh như bổn hoài của mười phương chư Phật đã kỳ vọng ở vai trò vị trí của một Sa môn Thích tử?