Lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa tâm linh lâu đời của người Việt. Mọi người đến chùa dâng hương, cầu một năm mới bình an, hạnh phúc và may mắn… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người trẻ đến chùa với tâm thế hình thức, chạy theo xu hướng mà chưa hiểu sâu sắc về ý nghĩa của tín ngưỡng.
Vào những ngày đầu năm mới, mọi người lại nô nức đến chùa để dâng hương, cầu nguyện và hướng lòng mình đến những điều tốt lành. Còn với nhiều bạn trẻ, đi lễ chùa đầu năm không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình mà còn là dịp thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân và hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc.
Những nơi có kiến trúc đẹp, linh thiêng như Tổ đình chùa Hội Khánh, chùa Thiên Quang hay chùa Giác tâm, chùa Bửu Minh, chùa Thái Sơn (núi Cậu)… thu hút đông đảo các bạn trẻ. Giữa không gian thanh tịnh, bất kì ai cũng cảm nhận được sự giao hòa của đất trời khi vào xuân và sự thành tâm trong lòng mỗi người.
Đến lễ tại chùa Bửu Minh, chị Ngọc Yến (TP. Thuận An, Bình Dương) chia sẻ, đi lễ đền, chùa đầu năm là một phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt. Năm nay, tại nhiều địa điểm tâm linh, hình ảnh chen lấn, xô đẩy không còn xuất hiện nhiều. Mọi người ứng xử văn minh hơn và việc thắp hương cũng được điều chỉnh phù hợp, mang lại không khí trang nghiêm, thanh tịnh.
Cùng bạn bè đi lễ tại Tổ đình chùa Hội Khánh dịp đầu năm mới, cô Kim Hoàng (TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết: “Cô đi lễ chùa để cầu may mắn, bình an và thành công trong công việc. Đây không chỉ là một hoạt động tâm linh mà còn là dịp để Phật tử như cô tìm hiểu về giá trị truyền thống, lịch sử và đạo lý nhà Phật và để hướng tới những giá trị sống tốt đẹp, nhân văn hơn” – cô Kim Hoàng chia sẻ.
Sư cô Thích nũ Diệu Tâm – Trụ trì chùa Bửu Minh cho rằng, khi Phật tử chúng ta đến chùa, trong lòng mỗi người luôn cảm thấy thanh thản, có một niềm tin yêu, trân trọng giá trị văn hóa. Lễ chùa đầu năm cũng giúp những người trẻ hiểu biết thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Khi hiểu sâu sắc hơn về điều này, các bạn trẻ sẽ cảm nhận được sự trang nghiêm, thiêng liêng của không gian thờ tự trong chùa và trân trọng hơn những giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể, những tượng Phật cổ xưa hàng trăm năm tuổi, các pháp khí lâu đời…. Việc ăn mặc phù hợp, lịch sự, tránh những trang phục quá ngắn hay phản cảm không chỉ thể hiện sự kính trọng mà còn góp phần giữ gìn sự tôn nghiêm tại nơi thờ tự, thể hiện sự văn minh khi đi lễ chùa.
Cùng với đó, đi chùa không chỉ là khấn vái hay cầu xin điều gì đó cho riêng mình, mà còn là cơ hội để mỗi người suy ngẫm về bản thân, hướng đến những điều tốt đẹp và thực hành những giá trị thiện lành. Thay vì chỉ cầu mong tài lộc, danh lợi, các bạn trẻ có thể dành thời gian để tĩnh tâm, cầu nguyện bình an cho bản thân, gia đình và tìm hiểu thêm về những triết lý sâu sắc của nhà Phật. Thậm chí, tham gia các hoạt động thiện nguyện, công quả tại chùa cũng là một cách để kết nối với truyền thống văn hóa và rèn luyện tâm hồn.
Đại đức Thích Trí Chơn – Trụ trì chùa Hương Nghiêm cho biết thêm, du xuân, đi chùa theo quan niệm văn hóa truyền thống là cách để Phật tử chúng ta chào đón vận khí của năm mới, là cầu an, cầu sức khỏe. Vì vậy việc thực hiện nghi lễ thờ cúng trong khi du xuân không bắt buộc, quan trọng nhất vẫn là tinh thần thư thái, gieo niềm tin, hy vọng về một năm “mưa thuận gió hòa. Nhân dân an lạc”.
“Điểm cần quan tâm là Phật tử chúng ta cần chánh tín, luôn tu học theo sự hướng dẫn của chư Tôn đức Tăng, Ni tránh xa mê tín dị đoan, do đó để gìn giữ nét đẹp văn hóa khi đi lễ chùa, mỗi người cần nhận thức đền chùa là nơi thờ tự linh thiêng, hãy đến chùa với tâm thế ngưỡng vọng, kính cẩn. Đó là nơi để du xuân, vãn cảnh, mở tâm thế hòa nhập với tự nhiên, với văn hóa truyền thống.
![](https://phatgiaobinhduong.vn/wp-content/uploads/2025/02/Screenshot-2025-02-07-192115.png)
Đi lễ chùa đầu xuân không chỉ là một hành trình tâm linh mà còn là cách để mỗi người làm giàu thêm đời sống tinh thần, tạo động lực khởi đầu một năm mới ý nghĩa và bình an.
Nguyễn Quí – Ban TT.TT Phật giáo Bình Dương