PHẬT GIÁO BÌNH DƯƠNG – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG HUY HOÀNG, MỘT DẤU ẤN KHÔNG PHAI

PGBD – Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương – tiền thân là Giáo hội Phật giáo tỉnh Sông Bé từ những ngày đầu thành lập cho đến hôm nay, đã trải qua một hành trình dài hơn 42 năm phụng sự đạo pháp, đồng hành cùng dân tộc. Đó không chỉ là quãng thời gian, mà còn là những lớp lớp thế hệ Tăng Ni, Phật tử, đã dấn thân, đã hy sinh, đã sống và phụng sự hết mình cho lý tưởng giác ngộ, cho hòa bình, từ bi, và an lạc giữa lòng dân tộc Việt Nam.

Ngay từ buổi đầu, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Trí Tấn – vị Trưởng ban Trị sự đầu tiên – Phật giáo Sông Bé đã đặt những viên gạch đầu tiên đầy chắc chắn cho nền móng Phật pháp nơi mảnh đất này. Người đặt nền tảng cho sự đoàn kết, cho tổ chức Giáo hội địa phương hoạt động vững vàng giữa thời kỳ khó khăn, vừa thống nhất đất nước, vừa ổn định xã hội.

Đại lão HT.Thích Trí Tấn – Thành viên HĐCM, nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sông Bé – Bình Dương nhiệm kỳ 1983 – 1995

Tiếp nối là Hòa thượng Thích Minh Thiện – người đã đưa Phật giáo Bình Dương bước vào thời kỳ phát triển, mở rộng các hoạt động giáo dục Tăng Ni, từ thiện xã hội, hoằng pháp, xây dựng chùa chiền và kết nối sâu sắc với cộng đồng Phật tử.

Hòa thượng Thích Minh Thiện – Nguyên Ủy viên HĐTS, nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 1997 – 2011

Và rồi, bước vào giai đoạn phát triển vững chãi, đậm dấu ấn, không thể không nhắc đến công đức to lớn của Hòa thượng Thích Huệ Thông – vị Trưởng ban Trị sự thứ ba, người đã dành trọn tâm lực, trí lực, và cả tấm lòng son sắt để kiến tạo nên một thời kỳ vàng son cho Phật giáo tỉnh nhà. Chính nhờ sự lãnh đạo sâu sát, bản lĩnh và trí tuệ của Hòa thượng, danh từ “Phật giáo Bình Dương” không chỉ vang xa khắp cả nước, mà còn in sâu trong trái tim của bao Tăng Ni, Phật tử địa phương – như một niềm tự hào, như một mái nhà tâm linh gắn bó thiêng liêng.

Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2012 đến nay

Dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng Thích Huệ Thông, hàng loạt công trình trọng điểm, các hoạt động Phật sự cấp tỉnh và Trung ương đều được tổ chức quy mô, trang nghiêm mà gần gũi, chan chứa đạo vị. 12 Đại giới đàn, 4 kỳ Chào mừng Đại lễ Phật đản Vesak, Đại lễ Vu lan, An cư Kiết hạ, các khóa tu mùa hè, từ thiện cứu trợ… đều mang dấu ấn riêng biệt của một Phật giáo Bình Dương năng động, trí tuệ, đoàn kết và đầy từ bi.

Suốt hơn bốn thập kỷ, những hình ảnh Tăng đoàn trang nghiêm trong các kỳ Đại lễ vẫn còn in sâu trong ký ức bao người con Phật. Những chiếc áo vàng rực sáng giữa lòng phố thị, những pháp thoại vang vọng giữa mùa sen nở, những đợt cứu trợ người dân vùng thiên tai, những lớp học Phật pháp cho thiếu nhi, cho cư sĩ… tất cả đã góp phần vun bồi đời sống tâm linh, đạo đức cho xã hội tỉnh nhà. Bình Dương không chỉ có các khu công nghiệp sầm uất, mà còn có đời sống tâm linh bền chặt – nơi mà Phật giáo chính là một trong những nền tảng tinh thần vững chắc.

Giờ đây, khi Phật giáo tỉnh Bình Dương chuẩn bị bước vào một bước ngoặt lớn – sáp nhập cùng Thành phố Hồ Chí Minh cũng là lúc một thực tại khiến bao người không khỏi nghẹn ngào: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương – một tổ chức gắn bó máu thịt suốt bao nhiêu năm, sẽ không còn hiện hữu dưới danh xưng ấy nữa. Dẫu biết vô thường là quy luật, nhưng lòng vẫn nhói lên khi phải nói lời chia tay với một tên gọi, một biểu tượng từng là niềm tự hào của bao thế hệ Tăng Ni, Phật tử.

Những hình ảnh mộc mạc mà không thể nào quên, là bàn tay của chư Tăng âm thầm phát quà từ thiện trong mùa mưa lũ, mùa Covid-19, áo cà sa ướt đẫm nhưng nụ cười vẫn nhẹ nhàng. Là tiếng chuông Tổ đình Chùa Hội Khánh vang lên giữa lòng thành phố, mỗi tối mỗi sớm như lời nhắc nhở đời sống nội tâm giữa dòng chảy tất bật của công nghiệp hóa. Là mùa An cư nơi những thiền đường chật hẹp, chư Tăng ngồi trang nghiêm tụng giới, học kinh, sống đời thanh tịnh, nếp sống ấy có thể đã âm thầm, nhưng giá trị thì không thể đong đếm.

Có những ngôi chùa đơn sơ giữa làng quê Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng… nơi tăng ni ngày đêm tinh tấn tu học, ngày đêm nuôi trẻ mồ côi, dạy chữ, dạy đạo làm người. Có những Đại lễ giữa thời tiết oi bức, nhưng dòng người Phật tử vẫn kiên nhẫn xếp hàng dưới nắng, tay cầm hoa sen, mắt ngước lên Đức Bổn Sư với tất cả lòng thành kính. Có những lần họp mặt Ban Trị sự mà sau cuộc họp, quý Thầy ngồi lại bên nhau chỉ để ăn bữa cơm chay đạm bạc, nói với nhau những chuyện đạo đời đầy chất tình thâm.

Chính những điều mộc mạc đó, từ bàn tay quét sân, chén trà đầu giờ họp, đến tấm lòng hy sinh thầm lặng đã dệt nên hồn cốt của Phật giáo Bình Dương. Và hôm nay, dù tổ chức có thay đổi, dù tên gọi Phật giáo Bình Dương mai này không còn, nhưng tình cảm, niềm tự hào, những công đức dày sâu – đặc biệt là từ Hòa thượng Thích Huệ Thông sẽ còn sống mãi trong lòng người con Phật. Phật giáo Bình Dương là một phần máu thịt của vùng đất này, và cũng là một phần linh hồn của mỗi trái tim Tăng Ni, Phật tử từng gắn bó, từng lớn lên từ nơi đây.

Thế hệ Tăng Ni trẻ hôm nay – sinh ra trong thời đại mới, được kế thừa và thừa hưởng những nền tảng tốt đẹp từ công lao của các bậc tiền nhân – sẽ là những người tiếp tục sứ mạng “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”. Tinh thần ấy sẽ không phụ lòng những bậc trưởng thượng đã dày công xây dựng nền móng Phật giáo nơi đất Bình Dương yêu dấu. Những hình ảnh ngày xưa của lễ hội Phật đản với hàng ngàn Phật tử về chùa Hội Khánh, những mùa an cư nghiêm mật tại Tổ đình, hay những khóa tu mùa hè rộn rã tiếng cười trẻ thơ… tất cả sẽ sống mãi trong lòng người dân và những người con Phật.

Dù hình thức tổ chức có thay đổi, nhưng tinh thần và ngọn lửa Phật pháp nơi đây sẽ không bao giờ tắt. Như ánh đuốc truyền từ tay này sang tay khác, chánh pháp sẽ tiếp tục tỏa sáng, góp phần làm đẹp cho cuộc đời, cho quê hương, cho đất nước – như chính những gì mà Phật giáo Bình Dương đã lặng thầm làm suốt bao năm qua, để giờ đây khép lại một trang sử hào hùng, một sứ mệnh thiêng liêng mà lãnh đạo và Tăng Ni, tín đồ Phật giáo Bình Dương đã vẹn tròn.

Phật giáo tỉnh Bình Dương – mùa An cư Kiết hạ PL.2569 – DL.2025

Trong niềm xúc động với khoảnh khắc này, HT. Thích Huệ Thông đã bày tỏ lòng tri ân đối với chư Tôn đức Tăng Ni, tín đồ Phật tử đã và đang đồng hành trong các công tác Phật sự của Phật giáo tỉnh Bình Dương nói chúng, với Hòa thượng nói riêng. Để cho Phật giáo tỉnh nhà vững mạnh, trang nghiêm, phát triển và luôn hoàn thành xuất sắc các công tác Phật sự được Trung ương GHPGVN giao phó đó đều là nhờ sự đoàn kết, hòa hợp, cùng chung tay đóng góp, phụng sự rất lớn của toàn thể Tăng Ni, Phật tử tỉnh Bình Dương.

Dù mai đây, hình thức tổ chức có thay đổi, Bình Dương sẽ sáp nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng những hình ảnh thân thương, những tấm lòng son sắt, đoàn kết, đồng hướng đến sự phát triển của tỉnh nhà sẽ luôn còn mãi trong trái tim mỗi con người Bình Dương.

Hòa thượng kỳ vọng rằng, Tăng Ni, Phật tử tỉnh Bình Dương sau sáp nhập vẫn tiếp tục giữ vững tinh thần đoàn kết, gắn bó phụng sự cho Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh (mới) được trang nghiêm, hòa hợp, vững tay chèo để lèo lái con thuyền Phật pháp ngày càng xương minh, tốt đẹp trong lòng dân tộc Việt Nam.

Huệ Nghiêm