Sáng ngày 01/12/2024, chư Tôn đức Tăng Ni Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 716 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết–bàn (1/11 năm Mậu Thân – 1/11 năm Giáp Thìn), và tưởng nhớ chư vị tiền bối hữu công tại Tổ đình Hội Khánh (phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một).
Quang lâm chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Bình Dương; HT. Thích Thiện Duyên – Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; TT. Thích Chơn Phát – Uỷ viên HĐTS, Phó BTS kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo tỉnh; TT. Thích Minh Vũ – Phó ban Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh; TT. Thích Minh Lực – Phó ban Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN tỉnh; ĐĐ. Thích Thiện Hưng – Phó ban Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông PG tỉnh; Ni trưởng Thích nữ Pháp Như – Phó ban Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh; Ni sư Thích nữ Từ Thảo – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Phân ban kiêm Trưởng ban Pháp chế Phân ban Ni giới TƯ, Phó BTS kiêm Trưởng ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN tỉnh; TT. Thích Huệ Tín – Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; ĐĐ. Thích Đức Dũng – Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; ĐĐ. Thích Huệ Nghiêm – Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; cùng chư Tôn đức Tăng Ni Thường trực BTS, các ban chuyên trách, chư Tôn đức Tăng Ni 09 Ban Trị sự huyện, thị, thành phố, chư Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một, và Tăng Ni sinh đang theo học tại trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương đồng tham dự.
Thay mặt Ban tổ chức, Hòa thượng Thích Huệ Thông đã ôn lại tiểu sử Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, nhắc mỗi người con Phật khắc ghi hình ảnh vị Hoàng đế anh hùng, người đã lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông (1258 và 1288), đưa lại độc lập hòa bình cho đất nước. Sau khi hoàn thành trách nhiệm vẻ vang với dân tộc, năm 1299 Ngài đã về Yên Tử xuất gia tu Phật, thống nhất 3 thiền phái Phật giáo Việt Nam, sáng lập Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử – nền Phật giáo thống nhất của người Việt với tư tưởng “Hòa quang đồng trần”, “Cư trần lạc đạo”; xây dựng một nền Phật giáo nhập thế yêu nước, tư tưởng đó đã trở thành sợi chỉ đỏ, kim chỉ nam xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam cho đến tận ngày nay.
Trước khi nhập Niết- bàn, Ngài đã để lại bài kệ Pháp Thân Thường Trụ qua sự trả lời cho thị giả hầu cận bên Ngài là Bảo Sát: “Tất cả pháp không sinh. Tất cả pháp không diệt. Ai hiểu được như vậy. Thì chư Phật hiện tiền. Nào có đến có đi” (Nhất thiết pháp bất sinh. Nhất thiết pháp bất diệt. Nhược năng như thị giải. Chư Phật thường tại tiền. Hà khứ lai chi hữu).
Theo đó, Hoà thượng đã đọc văn tưởng niệm, tri ân Đức vua Trần Nhân Tông – Sơ tổ đã khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, phái thiền Việt Nam đầu tiên công nhận là di sản văn hóa muôn đời cho nhân thế, là niềm vinh dự, tự hào của Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, thành kính nguyện thực hành: Giữ gìn tinh thần đoàn kết hoà hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc; nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các tôn giáo, để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm “tốt đời đẹp đạo”, tạo dựng một thiên đường Cực lạc tại nhân gian trong lòng người bằng triết lý Thiền là sống với tâm từ bi chan chứa mọi loài, trong kiếp hiện tại và mai sau.
Tại buổi lễ, chư Tôn đức Giám phẩm Phật giáo và các Tăng ni, Phật tử thành kính dâng hương tưởng niệm, đảnh lễ trước di ảnh Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tưởng niệm, tri ân những công lao cao dày của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với Đạo pháp và Dân tộc; đồng kính nguyện thực hành gìn giữ tinh thần đoàn kết dân tộc, độc lập Tổ quốc, nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các tôn giáo để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện hữu hiệu phương châm “Tốt đời đẹp đạo”, duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường, phát huy nội lực, đồng nhờ ngoại lực để phát huy đạo pháp và đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ.
Cuộc đời cao đẹp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam là một tấm gương sáng cho thế hệ mai sau về những đóng góp to lớn cho dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Cuộc đời của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là bài học lớn cho chư tôn đức giáo phẩm Phật giáo, Tăng ni học tập, từ đó thấy rõ trách nhiệm của mình và hành động mang lại lợi ích cho đất nước, cho dân tộc. Tăng ni, Phật tử ngày nay cần trau dồi đạo hạnh, gìn giữ chân tu để không vướng bận bởi lợi danh, phú quý để phát huy Đạo pháp trong thời đại ngày nay và mãi mãi về sau.
Đức vua Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh năm Mậu Ngọ 1258. Năm Mậu Dần 1278, khi vừa tròn 20 tuổi, Hoàng Thái tử Trần Khâm được vua Trần Thánh Tông truyền ngôi xưng Hoàng đế, hiệu là Hiếu Hoàng. Kế tục sự nghiệp của các Tiên đế nhà Trần, Đức vua Trần Nhân Tông đã thi hành nhiều chính sách khoan hòa, thân dân, lấy đức mà trị vì Đại Việt, chăm lo cho dân chúng, xây dựng quốc gia hòa bình, thịnh trị.
Năm 1293, Đức vua Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1299, Ngài rời kinh đô, chọn núi Yên Tử (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh) dựng chùa, giảng pháp, độ Tăng. Người thống nhất ba dòng thiền Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành lập lên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc đạo”, “Hòa quang đồng trần”. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền mang bản sắc riêng của Đại Việt, được gìn giữ và lưu truyền qua các thời đại, các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc.
Lịch sử nước ta ghi nhận Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị hoàng đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc. Ngài là nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn, đồng thời là nhà tu hành giác ngộ đã để lại hệ thống tư tưởng đặc sắc về Phật giáo. Người sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.
Tiếp theo sau đó, chư Tôn đức thành viên Ban Trị sự PG tỉnh đã tham dự phiên họp nhằm triển khai các kế hoạch chuẩn bị cho công tác của Đại Giới đàn Trí Tấn sẽ được tổ chức vào ngày 29/3 đến ngày 02/4/2025 (nhằm ngày 01-05/3 năm Ất Tỵ).
+ Giới đàn Tăng: Tổ đình Hội Khánh số 29 đường Chùa Hội Khánh, P.Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
+ Giới đàn Ni: Chùa Bồ Đề Đạo Tràng phường Bình Chuẩn, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh đó, phiên họp cũng dự kiến vào ngày 09/01/2025 (tức ngày 10.12 năm Giáp Thìn) sẽ tổ chức Hội nghị Tổng kết các công tác Phật sự năm 2024 của Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Bình Dương; Chương trình “Tết vì người nghèo” chia sẻ những khó khăn với bà con trước thềm Xuân Ất Tỵ (2025) và một số Phật sự quan trọng khác.
Phiên họp diễn ra trong tinh thần đoàn kết và hòa hợp, thực hiện các Phật sự đạt hiệu quả cao, đưa Phật giáo tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng nhân dân tỉnh nhà.
Ban TT-TT PG Bình Dương