Với tinh thần “Ẩm thuỷ tư nguyên”, hằng năm HT.Thích Huệ Thông – Trụ trì Tổ đình Hội Khánh (P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một), đều trang nghiêm tổ chức lễ Huý kỵ và tưởng niệm các bậc tiền bối khai sơn, tạo tự Tổ đình Hội Khánh để hôm nay có nơi cho Phật tử tu tập và học Phật pháp vào sáng ngày 11/10/2024 (nhằm ngày 09/9 năm Giáp Thìn).
Chứng minh buổi lễ có: HT. Thích Nhuận Kiên – Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương; HT.Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế T.Ư, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Bình Dương, Trụ trì Tổ đình Hội Khánh; HT. Thích Thiện Duyên – Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh; TT. Thích Minh Lực – Phó ban Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN tỉnh; ĐĐ. Thích Thiện Hưng – Phó ban Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông PG tỉnh; TT. Thích Huệ Tín – Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; TT. Thích Minh Chí – Trưởng ban Nghi lễ PG tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP. Thủ Dầu Một; ĐĐ. Thích Đức Dũng – Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; ĐĐ. Thích Huệ Nghiêm – Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; cùng chư Tăng Bổn tự, nam nữ Phật tử xa gần đồng tham dự.
Trước đó, chư Tôn đức đã quang lâm đại hùng bửu điện thực hiện khóa lễ khai kinh, bạch Phật, cúng ngọ, cung tiến Giác linh Thiền sư Đại Ngạn – Từ Tấn, đảnh lễ tri ân công đức bậc tòng lâm thạch trụ, đồng nhất tâm cầu nguyện đến Giác linh Thiền sư cao đăng Phật quốc, quả chứng vô sanh, tái hiện Ta-bà nhiếp chúng độ sanh.
Nhân sự tùng sự, là lễ kỳ siêu nhị thất trai tuần cho hương linh Trần Quang Võ, hưởng thọ: 73 tuổi, mất ngày 01/10/2024, cũng như thiết lập trai đàn chẩn tế cầu siêu bạt độ cho các anh linh chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, thập loại cô hồn và các hương linh ký danh ký ảnh, ký cốt tại Tổ đình Hội Khánh được siêu thoát, hoá giải mọi tai ương hận thù để cuộc sống được ấm no, yên ổn.
Sau đó, cung thỉnh chư Tôn đức quang lâm trai đường để chứng minh lễ cúng dường trai Tăng. Đại diện gia quyến hương linh Trần Quang Võ dâng lời tác bạch cúng dường lên chư Tôn đức ngỏ hầu báo đáp thâm ân dưỡng dục của phụ thân, cùng cầu nguyện quốc thái dân an, Phật pháp trường tồn, đạo tràng ngày thêm hưng thịnh, hàng Phật tử luôn được sống an vui hạnh phúc dưới ánh hào quang của chư Phật.
Chứng minh lời tác bạch của gia quyến, Hòa thượng Thích Huệ Thông đã hoan hỷ ban đạo từ. Hòa thượng nêu lên ý nghĩa sâu sắc về công lao sinh thành dưỡng dục của Cha Mẹ dành cho con cái qua hình ảnh tần tảo, vất vả nuôi dưỡng con cái. Đồng thời tán thán tinh thần hiếu đạo của gia quyến đã thực hành đúng với con đường chánh pháp mà Đức Phật đã dạy, noi gương Đức Mục Kiền Liên cung thỉnh chư Tôn đức Tăng hội tụ để cúng dường trai tăng, ngỏ hầu tri ân, báo ân đối với đấng sinh thành bằng tấm lòng hiếu đạo của người Phật tử. Hòa thượng cũng chia sẻ thêm: Chữ hiếu trong đạo Phật là một đức tính tốt đẹp và được xem như một nền tảng cho mọi đức hạnh, là nhân tố để xây dựng đời sống hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội, cũng là yếu tố đầu tiên trong giáo lý Tứ trọng ân (ân Cha mẹ, ân Tam bảo, ân quốc gia, ân chúng sanh) của Phật giáo mà người Phật tử phải cố gắng đền đáp cho vuông tròn. Đối với đạo Phật, thực hành hạnh hiếu thảo là con đường giải thoát của chánh pháp, là con đường của người Phật tử. Ngoài sự quan tâm, yêu thương chăm sóc, làm vui lòng cha mẹ, người Phật tử còn phải biết hướng dẫn cha mẹ hướng đến Phật pháp, quy y Tam bảo. Sau khi cha mẹ đã khuất noi gương Đức Mục Kiền Liên cung thỉnh chư Tôn đức chú nguyện cầu siêu cho cha mẹ; Bản thân tu tập, phóng sinh, bố thí tạo phước lành, lập công bồi đức để hồi hướng cho cha mẹ được siêu thăng, đây là cách báo hiếu đúng chánh pháp. Hòa thượng mong muốn gia quyến hãy luôn trân trọng từng giây phút khi cha mẹ còn trên đời, cha mẹ chính là những người đã mang chúng ta đến với cuộc đời này bằng tất cả tình yêu thương vô bờ bến, có thể nói, ân cha nghĩa mẹ rất sâu nặng mà không có một từ ngữ nào diễn tả được sự vĩ đại của cha mẹ và tất cả những gì cha mẹ đã dành cho chúng ta. Thay mặt chư Tăng, Hòa thượng ghi nhận và chú nguyện, hồi hướng công đức đến cha mẹ hiện tiền của gia đình, quý Phật tử luôn mạnh khỏe, an yên, người quá vãng được siêu sanh lạc cảnh.
Chiều cùng ngày, ĐĐ. Thích Huệ Nghiêm – Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng Ban Trị sự, Phó ban Thường trực Ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh Bình Dương đương vi sám chủ, cùng chư Tôn đức Ban kinh sư quang lâm đàn tràng thỉnh Tam bảo, tác lễ Sanh đăng và sau đó đăng đàn Chẩn tế cầu siêu bạt độ, gia tâm nguyện lực kết nối năng lượng tích cực, nguyện cầu cho chư hương linh phát tâm quy y Tam bảo nương vào nguyện lực từ bi để âm dương đồng lưỡng lợi hộ trì quốc gia, đạo pháp xương minh, thanh bình.
Tổ đình Hội Khánh tọa lạc tại số 29 đường Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chùa được xây dựng vào năm Tân Dậu (1741), dưới thời Chúa Nguyễn Phước Khoát (1738-1765), do Thiền sư Đại Ngạn trên bước đường vân du hóa đạo, Ngài đến ngọn đồi thuộc làng Bình An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên (phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương hiện nay), lập am tu hành. Sau một thời gian hoằng hóa, tín đồ Phật tử quy tụ ngày càng đông, am tranh được xây dựng thành Tổ đình Hội Khánh. Ngôi Cổ tự Hội khánh là công trình kiến trúc, văn hóa nghệ thuật của vùng đất Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng, nơi đây cũng là một di tích văn hóa còn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật giá trị về nhiều mặt của địa phương và quốc gia. Với chiều dày về lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, mỹ thuật và truyền thống yêu nước gắn bó với đạo pháp và dân tộc, Tổ đình chùa Hội Khánh đã được Bộ trưởng Văn hóa- thông tin nước CHXHCNVN công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 07/01/1993. Trong suốt chiều dài lịch sử, chùa luôn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tâm linh trên tinh thần gắn bó, đồng hành đạo pháp và dân tộc.
Thiền sư Đại Ngạn thuộc thế hệ thứ 37 của thiền phái Lâm Tế dòng Liễu Quán (1667 – 1742). Chi phái này được truyền bá rất sớm vào Thủ Dầu Một, Bình Dương. Phần lớn đệ tử của ngài Thiệt Diệu – Liễu Quán là người Thừa Thiên, Phú Yên. Thiền sư Đại Ngạn – Từ Tấn là thế hệ thứ Hai của Tổ Liễu Quán và cũng là người đầu tiên có mặt và truyền bá đạo Phật ở vùng này. Trong thời gian ngài Đại Ngạn đến xây chùa Hội Khánh và truyền bá Phật pháp ở đây thì vùng đất này cũng còn hoang sơ, đầy rừng rậm và thú dữ. Dân cư chưa đông lắm nhưng tín ngưỡng Phật giáo đã có mặt do lòng tin Phật của các di dân đến định cư nơi này. Do đó việc truyền bá Phật pháp của Thiền sư Đại Ngạn được hanh thông và dân chúng rất tôn sùng. Ngoài ngôi chùa Hội Khánh dân làng còn góp công xây dựng những ngôi chùa khác khang trang, tráng lệ.
Như vậy, theo hồi ký của GRAMMONT, người có chân trong quân đội Pháp tấn công huyện Bình An, thì trên ngọn đồi Phú Cường có hai ngôi chùa rất đẹp, mỗi ngôi chùa là một tòa kiến trúc uy nghi và tráng lệ. Như thế, thì đủ chứng tỏ dân chúng vùng này rất sùng kính đạo Phật; họ tập trung toàn lực để xây dựng chùa, dù rằng đời sống của họ chưa được sung túc lắm. Thiền sư Đại Ngạn – Từ Tấn hoằng hóa và mang đến cho vùng đất này tinh thần Phật pháp của tư tưởng Thiền học trên công án mà tổ sư của ngài là Liễu Quán đã nhận được nơi thầy của mình là Minh Hoằng – Tử Dung ở câu thoại đầu: “Vạn pháp qui nhứt. Nhứt qui hà xứ?”. Thiền sư Đại Ngạn đã mãn viên hóa độ và viên tịch vào ngày mùng 9 tháng 9 năm Mậu thân (1788), đệ tử lập tháp thờ trong khuôn viên đồi chùa.
Ban TT-TT PG Bình Dương