Bình Dương: Lễ húy kỵ lần thứ 39 cố Hòa thượng Thích Thọ Thiện

Sáng ngày 25/9/2024 (nhằm ngày 23/8 năm Giáp Thìn), TT. Thích Chơn Phát – Ủy viên HĐTS, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo GHPG Việt Nam tỉnh Bình Dương, Trụ trì chùa Thiên Chơn (phường An Thạnh, TP. Thuận An) cùng môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm cử hành lễ Húy kỵ lần thứ 39 cố Hòa thượng Thích Thọ Thiện.

Buổi lễ được sự quang lâm của: Đại đức Thích Minh Tấn – Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương; cùng Tăng Ni sinh khóa VI Trường TCPH tỉnh Bình Dương và đông đảo thiện nam tín nữ Phật tử xa gần đồng tham dự.

Theo chương trình buổi lễ, chư Tôn đức đồng vân tập lên đại hùng bửu điện tụng thời kinh cầu nguyện phong điều vũ thuận, quốc thới dân an. Sau đó, chư Tôn đức Ban Kinh sư thực hiện nghi Cúng ngọ và cung tiến Giác linh.

Nơi Giác linh đường trang nghiêm, Đại đức Thích Minh Tấn và Tăng Ni sinh khóa VI Trường TCPH tỉnh Bình Dương trở về dâng hương tưởng niệm trước Giác linh cố Hòa thượng Thích Thọ Thiện để ôn lại hành trạng, công hạnh tu tập, phụng sự đạo pháp của Hòa thượng, đồng cầu nguyện Giác linh Hòa thượng được cao đăng Phật quốc.

Tiếp đến, PT. Từ Liên thay mặt Phật tử chùa Thiên Chơn dâng lời tác bạch cúng dường. Ban lời đạo từ, TT. Thích Chơn Phát mong muốn hàng Phật tử tại gia luôn nỗ lực tiến tu tịnh nghiệp, làm nhiều việc thiện lành để tâm được an vui trong giây phút hiện tại, buông xả những phiền não, vọng tưởng, trồng nhân Tịnh độ để được quả Tịnh độ. Lễ Húy kỵ khép lại với nghi thức trai đường trang nghiêm và thanh tịnh.

TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH THỌ THIỆN

Hòa thượng pháp danh Như Tâm, đạo hiệu Thích Thọ Thiện, thuộc dòng thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 41, là Trưởng tử của Hòa thượng Chơn Phổ thượng Nhẫn hạ Tế, Minh Tịnh Thiền sư, trụ trì Chùa Thiên Chơn.

Ngài sinh năm Nhâm Tý (1913) tại làng An Thạnh, huyện Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Ngoạt, pháp danh Tâm Nguyệt; thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Kén, pháp danh Tâm Thọ, hiệu Diệu Quang. Hòa thượng là người con thứ 7 trong 7 anh em, người hướng dẫn người em gái thứ 8 đi theo con đường giác ngộ giải thoát, đã làm trụ trì Chùa Phổ Minh ở ấp Thạnh Lợi, xã An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé.

  1. XUẤT GIA

Vốn dĩ là người có bản tánh hiền từ, thông minh lại được sanh trong gia đình phúc hậu, nhiều đời kính tin ngôi Tam bảo, sâu trồng cội phước Tăng Già. Thuở nhỏ, Ngài được cha mẹ hướng dẫn quy y tại chùa Thiên Tôn với Hòa thượng thượng Ấn hạ Nhâm, hiệu là Từ Lương. Từ đó, đạo tâm của Ngài ngày một tăng trưởng vì đức hạnh của Tôn sư, vì sự hưng thạnh Phật pháp tại quê nhà, cho nên tuy còn nhỏ, Ngài sớm nhận thức cảnh đời vô thường giả tạm, phù du sớm tối, đua chen danh lợi để rồi phải chịu khổ trăm bề nơi ác nghiệp. Từ đó, Ngài quyết chí xuất gia, tầm sư học đạo để tự giải thoát và giải thoát tha nhân.

– Năm 1929 lúc vừa tròn 16 tuổi, Ngài xin cha mẹ cho làm công quả tại am tổ Chùa Thiên Chơn được một thời gian ngắn, Hòa thượng Minh Tịnh xét thấy Ngài có chủng tánh Đại thừa xứng ngôi long tượng của Phật pháp liền cho xuất gia. Ngài bèn xin phép cha mẹ được xuất gia, lễ tạ giã từ. Ngài được Hòa thượng Bổn sư làm lễ thế phát vào ngày mùng 08 tháng 02 năm 1930, với pháp danh là Như Tâm.

Sau khi xuất gia, Ngài luôn canh cánh bên bậc Tôn sư học hỏi và tu tập theo hạnh từ bi, vô ngã của chư Phật mà Tôn sư đã dày công khẩn cầu giáo pháp nơi các bậc phạm hạnh. Thời gian trôi qua rất nhanh, Ngài cứ mãi mê nghiên cứu tu tập theo sự chỉ giáo của bậc Tôn sư, Ngài nhận thấy cảnh vật bên ngoài hình như đang trở về với thực tại trong những giây phút lắng tâm nơi thiền sàng, những giây phút đó đã chứng minh kết quả tu tập của Ngài. Ngài được Hòa thượng Tôn sư trao truyền Tỳ-kheo giới vào ngày 08 tháng 02 năm 1932. Từ đó, Ngài càng tinh tấn tu học trau dồi Kinh-Luật, thân cận các bậc thiện tri thức để củng cố và thể nhập cuộc sống.

– Năm 1939, dưới đức độ và danh tiếng của Hòa thượng Minh Tịnh Tôn sư ngày càng lan rộng, thính pháp của hàng Phật tử ngày càng nhiều. Vì vậy, ông Trần Khánh Sanh đại diện cho chư Phật tử thỉnh cầu Hòa thượng Tôn sư cho phép xây dựng một ngôi chùa để làm nơi quy ngưỡng và được Hòa thượng chấp nhận. Ngài cùng các  huynh đệ như Trí Tạng, Minh Kiến, Pháp Minh, Pháp Tú, Diệu Tâm, Diệu Trụ và các Phật tử đóng góp kẻ công người của để hoàn thành ngôi chùa Thiên Chơn và khánh thành năm 1940.

– Năm 1941, có ba người miền Trung đến chùa Thiên Chơn là Thường Chiếu, Tịch Chiếu và Viên Chiếu xin xuất gia.

II – HÀNH ĐẠO

– Năm 1942, Ngài được Hòa thượng Minh Tịnh giao quyền trụ trì và Hòa thượng trở về chùa Bửu Hương ấp Bộng Dầu, tỉnh Thủ Dầu Một, nay là chùa Tây Tạng để hoằng pháp tại nơi đó. Ngài một mình gánh vác trách nhiệm nặng nề làm chỗ dựa tinh thần cho Phật tử địa phương. Với sự tinh tấn tu trì và tận tâm nghiên cứu học hỏi, Ngài hóa độ một số Phật tử xuất gia như Pháp Bạc, Pháp Tảo, Pháp Quyết, Huệ Xuân, Chơn Huệ, Chơn Định, Thiện Quang, Diệu Trác, Diệu Trụ, Diệu Thái, Diệu Thanh, Diệu Niệm, Từ Khánh, Huệ Sương, Từ Tích.v.v…và các Phật tử tại gia xa gần.

– Năm 1969, vì tâm nguyện “nơi nào có đau khổ, nơi đó có giáo pháp” nên Ngài giao chùa Thiên Chơn lại cho đệ tử Chơn Định, Chơn Huệ. Ngài trở về chùa Phổ Minh dưới sự cầu thỉnh thiết tha của Phật tử ở ấp Thạnh Lợi, chợ Búng và chợ Lái Thiêu. Ngài trước khi ra đi có nhắc nhở các đệ tử xuất gia theo lời Phật dạy “Này các Tỳ-kheo, không nên tụ hội một chỗ lâu dài để tu tập mà phải nên chia nhau truyền bá chánh pháp vì chúng sanh còn nhiều đau khổ”. Khi Ngài ở Phổ Minh có cô Diệu Trụ, Diệu Thanh, Diệu Niệm đã sát cánh bên Ngài để chăm lo thuốc thang vì lúc đó Ngài bị bệnh tim.

– Năm 1970, khánh thành ngôi chùa Phổ Minh. Năm 1973, Ngài có một đệ tử pháp danh Thiện Quang đứng ra thành lập và hướng dẫn gia đình Phật tử Tường Vân ở Thiên Chơn và Khánh Minh ở Phổ Minh làm cho Phật giáo càng thêm hưng thịnh.  Từ những năm 1974 đến 1983, căn bệnh tim của Ngài kéo dài mãi, tuy vậy, mỗi lúc khỏe Ngài vẫn làm việc, nghiên cứu kinh điển, giảng dạy cho Phật tử về những pháp vô thường, căn bản của người học Phật, cách rèn luyện nội tâm, hàng phục mọi dục vọng… Ngài thường dạy: “Danh như hạt sương ở đầu ngọn cỏ” đối với thân này chỉ là “Sang hữu khổ hoàn hữu nghiệp” nào có vui gì, chỉ có biết bao Phật ngôn đem ra thực hành mới có an lạc. Ngài trải qua biết bao lần vào bệnh viện chỉ vì căn bệnh kéo dài, có lúc Ngài dưỡng bệnh tại nhà Phật tử Cao Thị Tốt tự là Hai Dư vài ngày, có lúc lại ở nhà Phật tử Trần Thị Bán pháp danh Huệ Tâm ở Lái Thiêu. Ngài được các Phật tử chăm lo chu đáo, nhân sự tùng sự Ngài luôn ban bố những lời dạy cao quý mà bây giờ các Phật tử còn nghe những pháp âm văng vẳng bên tai mà  làm con đường hành đạo trong lúc xa Thầy.

– Năm 1984, Ngài muốn trở về Chùa Thiên Chơn để thăm lại Tôn sư và làm tròn ước nguyện của người đệ tử Phật “Cây có cội nước có nguồn”, “Lá rụng về cội”. Ngài nhớ, mới ngày nào còn đảm nhiệm gần kề e rằng nơi xưa không người tiếp nối.

“Cảnh vật Thiên Chơn vẫn còn đó.

Di ảnh người xưa vẫn sáng ngời.

Hôm nay trở lại thăm Chùa cũ.

Còn một tất giây vẫn trở về.”

Ngài trú tại Chùa Thiên Chơn được ba tháng. Sau đó, vì bệnh tim ngày càng nặng cộng với nỗi xót xa vắng vẻ của ngôi Chùa Phổ Minh, Ngài không đành bỏ lại hàng môn đệ đang còn chập chững với hành trang giáo pháp vào đời. Ngài muốn gởi lại những gì đáng gửi với những lời ân cần, mang đi những gì nên mang như giáo pháp tự chứng. Ngài quyết định ở lại Chùa Phổ Minh, vì vậy Ngài gọi các đệ tử xuất gia cũng như đệ tử tại gia sum họp để Ngài căn dặn lần cuối. Ngài dạy: “Thân này sanh là giả hợp sanh, tử giả hợp tử, sanh tử xưa nay vốn không thật, làm gì lại có việc bi thương. Các con hãy lấy trí huệ làm đầu, hãy nhận rõ đâu là thật đâu là hư, các con hãy ngày đêm siêng tu tinh tấn, để có thể đền ơn chư vị Ân sư và chư Phật. Thầy ra đi đây, các con gắng nhớ lời dạy”. Phút chót, Ngài thâu thần nhập diệt nơi thiền sàng giữa hàng đệ tử bốn chúng vây quanh đồng chấp tay niệm Phật đưa tiễn Ngài trở về nơi Niết-bàn vào lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm Ất Sửu (nhằm ngày 06 tháng 10 năm 1985), Trụ thế 74 năm, hạ lạp 42 mùa hạ.

III – SỰ NGHIỆP PHẬT PHÁP

Tuy thân tứ đại lúc nào cũng bất hòa, nhưng tinh thần Phật pháp lúc nào cũng mạnh mẽ. Ngài tham gia hoạt động Phật giáo tại tỉnh nhà qua nhiều năm. Năm 1996, Ngài được Hội Lục Hòa Tăng Cổ Sơn Môn tỉnh Bình Dương tấn phong Hòa thượng do Tăng trưởng tỉnh Bình Dương là Hòa thượng THÍCH THIỆN HƯƠNG ký. Năm 1968, Ngài được Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN cử làm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Dương do Hòa thượng THÍCH THIỆN HÒA ký (nhiệm kỳ 1968 – 1970). Năm 1975, Ngài được Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN cử làm Cố vấn Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Bình Dương do Hòa thượng THÍCH THIỆN HÒA ký (nhiệm kỳ 1975 – 1977).

IV – SỰ NGHIỆP YÊU NƯỚC

Được sự kêu gọi của Hòa thượng Tôn sư Minh Tịnh, ngôi Chùa Thiên Chơn và Chùa Tây Tạng trở thành nơi ẩn nấp cán bộ cách mạng suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Lúc đó, Ngài đảm nhiệm trụ trì Chùa Thiên Chơn từ năm 1942 – 1969. Ngài cùng Sư Minh Tịnh ở Chùa Tây Tạng liên tục cung cấp thực phẩm cho cán bộ Việt Minh nhờ các Sư cô chuyển vào chiến khu.

V – SỰ NGHIỆP TIẾP DẪN HẬU LAI

Trong hàng đệ tử xuất gia của Ngài, có những vị đệ tử cho đi học ở trường Phật học tại thành phố Hồ Chí Minh, có những vị chuyên tu thường xuyên ở bên cạnh Ngài và hiện nay các vị ấy đã làm nên Phật sự tại địa phương cũng như nơi khác như:

– Hòa thượng Thích Pháp Tảo, trụ trì Chùa Nam Bình ở thành phố Dĩ An đã viên tịch.

– Hòa thượng Thích Pháp Bạc đã tốt nghiệp Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm tại thành phố Hồ Chí Minh và đã viên tịch thờ tại Chùa Huệ Nghiêm.

– Hòa thượngThích Thiện Quang, trụ trì Chùa Bửu Quang ở Gò Dưa, TP.Thủ Ðức, thành phố Hồ Chí Minh đã viên tịch.

– Ni trưởng Thích Nữ  Như Thái, trụ trì Chùa Thiên Chơn năm 1969 – 2010 đã viên tịch.

– Ni trưởng Thích Diệu Trụ, trụ trì Chùa Phổ Minh phường An Thạnh, là người em, người thị giả chăm lo chu đáo cho Ngài cũng như giữ gìn ngôi chùa Phổ Minh cho đến khi viên tịch.

VI – TÓM LẠI

Cuộc đời tu tập hành đạo của Hòa thượng THÍCH THỌ THIỆN đã nói lên tinh thần của người Phật tử xuất gia học Phật, chuyên tu tinh tấn, liễu ngộ chân nguyên, thể nhập chơn như bản thể, hội nhập Ta bà, hóa duyên ký tất. Đối với đời đã hoàn thành trách nhiệm của một Thích tử, một công dân yêu nước, sẵn sàng cống hiến công sức vào sự nghiệp cách mạng cao cả. Động viên quần chúng tham gia cách mạng đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân loại. Giờ đây, hàng môn đệ đang kính cẩn nghiêng mình đối trước Ân sư, tưởng niệm những giây phút còn sinh tiền, chúng con không sao tránh khỏi ngậm ngùi. Khi Chùa Phổ Minh vẫn còn đó, di ảnh trang nghiêm đang hiển hiện nơi đây thế mà vắng đi hình ảnh người Thầy khả kính, bậc mô phạm dẫn đường chỉ lối cho chúng con trên đường tu học, chúng con đồng thắp nén tâm hương ngưỡng nguyện hồng ân Tam bảo, chư Phật mười phương chứng minh cho tấm lòng thành của chúng con kính dâng lên Hòa thượng Tôn sư và ngưỡng mong Ngài thừa nguyện tái lai, phổ độ chúng sanh. Chúng con nguyện thực hành lời Ngài dạy, học theo hạnh Ngài tu, tiếp dẫn đàn hậu lai báo Phật ân đức.

 Ban TT.TT Phật giáo Bình Dương