Bình Dương: Lễ Bố-tát, sinh hoạt Tăng sự định kỳ tại Tổ đình Hội Khánh

Sáng ngày 05/7/2024 (nhằm ngày 30/5 năm Giáp Thìn), cTôn Giáo phẩm Ban Chứng minh, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, chư vị trụ trì và Tăng Ni hành giả an cư đã vân tập về Trung tâm Văn hóa tượng Phật nhập Niết Bàn – Tổ đình Hội Khánh (phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một), để Bố-tát, thính giới, sinh hoạt Tăng sự định kỳ trong mùa An cư Kiết hạ Phật lịch 2568

Buổi lễ có sự chứng minh của: Quang lâm buổi thuyết giảng có sự hiện diện của: HT. Thích Nhuận Kiên, HT. Thích Chí Thiện; HT. Thích Thường Quang – đồng Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương; Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Pháp chế Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Tổ chức Khóa Bồi dưỡng Trụ trì; HT. Thích Thiện Duyên – Ủy viên HĐTS, Phó ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh; TT. Thích Chơn Phát – Uỷ viên HĐTS, Phó BTS kiêm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo tỉnh; TT. Thích Minh Vũ – Phó BTS, Trưởng ban Hoằng pháp Phật giáo tỉnh; TT. Thích Minh Lực – Phó ban Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế GHPGVN tỉnh; ĐĐ. Thích Thiện Hưng – Phó ban Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông PG tỉnh; Ni trưởng Thích nữ Pháp Như – Phó ban Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh; Ni sư Thích nữ Từ Thảo – Ủy viên HĐTS, Phó trưởng Phân ban kiêm Trưởng ban Pháp chế Phân ban Ni giới TƯ, Phó BTS kiêm Trưởng ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN tỉnh; TT. Thích Huệ Tín – Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; ĐĐ. Thích Huệ Nghiêm – Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; cùng chư Tôn đức Tăng Ni Thường trực Ban Trị sự, các ban chuyên trách và hơn 750 hành giả an cư trong toàn tỉnh đồng tham dự.

Thiền đường nhị bộ đại chúng trở về đại hùng bửu điện thực hiện các nghi thức thiền môn, niêm hương, đảnh lễ Tam bảo, và hội chúng cùng lắng lòng thính giới. Qua đó, đại chúng được cùng nhau ôn lại những điều Đức Phật đã dạy, luôn sống tỉnh thức, thanh tịnh, lấy đó làm chất liệu để thanh lọc thân tâm, trau giồi Giới – Định – Tuệ, hòa hợp Tăng đoàn, trang nghiêm Giáo hội. Tại chánh điện, HT. Thích Thiện Duyên niêm hương bạch Phật; toàn thể đại chúng thành kính đảnh lễ Tam bảo.

Theo Luật tạng, Bố tát là mạng mạch của Tăng đoàn, nên không có chúng Tỳ-kheo nào được gọi là Tăng mà không thực hành Bố-tát, việc Bố-tát hàng tháng trong mùa An cư kiết hạ là vô cùng cần thiết cho các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni đệ tử Phật. Bố-tát, tụng Giới là một trong những sinh hoạt đặc thù của Tăng đoàn, nhằm nuôi lớn bản thể thanh tịnh của Tăng, nhằm giúp chư Tăng Ni hành giả an cư cùng nghe lại giới pháp đã thọ do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng thuyết, cùng nhắc nhở nhau về Giới luật của người xuất gia, theo đó phát triển huệ mạng trong sự thanh tịnh, giữ gìn sinh mệnh của Tăng đoàn. Sau đó, đại chúng đã vân tập và an tịnh thính giới từ sự trùng tuyên của HT. Thích Huệ Thông, để ôn lại những lời Phật dạy lấy đó lấy đó làm chất liệu để thanh lọc thân tâm, luôn sống tỉnh thức, thanh tịnh Tăng đoàn, trang nghiêm Giáo hội.

Tiếp đến, trong không khí trang nghiêm, bồi hồi xúc động và lắng đọng tâm tư, Thượng tọa Thích Chơn Hạnh – Trụ trì chùa Tây Tạng cùng môn đồ pháp tử đối trước chư Tôn đức Chứng minh dâng lời tác bạch trong ngày lễ Húy kỵ của cố Hòa thượng Như Trạm – Tịch Chiếu, Viện chủ chùa Tây Tạng bằng những tình cảm tha thiết của người đệ tử luôn khắc ghi trong tâm khảm mình ơn giáo dưỡng sâu dày của Ân sư, xin hồi hướng phước báu cúng dường nầy để cầu nguyện Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

Hòa thượng Thích Huệ Thông ban lời đạo từ đến môn đồ pháp quyến và tứ chúng. Ngài đã tán thán công đức và những đóng góp của  cố Hòa thượng Như Trạm – Tịch Chiếu lúc sinh tiền. Đồng thời, Ngài cũng hoan hỷ trước sự chuẩn bị chu toàn của môn đồ hiếu quyến và quý Phật tử nhân ngày lễ húy kỵ của cố Hòa thượng Viện chủ chùa Tây Tạng. Cuối lời, Hòa thượng đã nhắn nhủ đến TT.Thích Chơn Hạnh cùng môn đồ pháp tử hãy luôn cố gắng tu tập, nỗ lực hết mình trong các công tác Phật sự tại Phật giáo tỉnh nhà nói chung và chùa Tây Tạng nói riêng, nhằm tiếp nối hạnh nguyện mà cố Hòa thượng đã dày công xây dựng, phát triển ngôi chùa Tây Tạng ngày một vững mạnh hơn, là nơi để đông đảo Phật tử quay về nương tựa trong ngôi nhà Phật pháp.

Chư Tăng Ni hành giả an cư cử hành nghi thức quá đường trong sự trang nghiêm và thanh tịnh. Dịp này, chư Tôn đức các Ban Trị sự trực thuộc PG tỉnh Bình Dương: PG TP. Tân Uyên, huyện Bàu Bàng và HT. Thích Chí Thiện – Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, Viện chủ Chùa Đức Hòa (TP. Dĩ An) và chư Tăng cùng nhau vân tập trước trai đường dâng lời tác bạch cúng dường, trợ duyên cho chư Tăng Ni hành giả an tâm tu học, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, nhờ đó mà Phật tử cũng được tăng trưởng phước báu, nương nơi bóng thuyền từ học hỏi giáo lý thâm sâu mà từ ngàn xưa Đức Thế Tôn truyền lại. Đồng thời, nhất tâm cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ quý Phật tử được vãng sanh cực lạc, cầu cho toàn thể gia đình Phật tử được bình an trong chánh pháp.

 

Tiểu sử Hòa thượng Như Trạm – Tịch Chiếu:

Hoà thượng Thích Tịch Chiếu, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh pháp phái đời thứ 41, thế danh Trần Đình Thấu, sinh ngày 02 tháng 02 năm Nhâm Tý (1912), triều Nguyễn đời vua Duy Tân, tại xã An Xuân, tổng An Thạnh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thưở thiếu thời, Hoà thượng sống với cha mẹ và bà ngoại. Ngài là con trưởng trong một gia đình khá giả. Thân phụ là cụ ông Trần Đình Mại thuộc chi tộc Trần Đình, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Tề. Ngài có 4 anh em, hai anh em là Trần Đình Thấy và Trần Đình Thiên, cô em gái út là Trần Thị Diệu.

Với tư chất thông minh, Hoà thượng học rất giỏi. Năm 12 tuổi, Ngài lên kinh thành Huế theo học Trường Bảo Hộ, thi đậu bằng Tiểu học (Primaire).

Hoà thượng mộ đạo từ rất sớm, ăn ngọ trai, thích trì Giới luật. Trước khi xuất gia, Hoà thượng là Thư ký và Kế toán trưởng sở Đạc Điền Faifo, nay là phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.Thời kỳ này, Hoà thượng là một hội viên Hội Phật học Trung Kỳ do bác sĩ Lê Đình Thám làm Hội trưởng.

Sau nhiều năm dài quyết tâm tìm kiếm minh sư, năm Tân Tỵ (1941) Ngài đi vào miền Nam toại nguyện xuất gia với Tổ Chơn Phổ Minh Tịnh, tại chùa Thiên Chơn, xã An Thạnh, huyện Lái Thiêu, tỉnh Bình Dương sau khi Hoà thượng từ Tây Tạng về.

Vào năm Nhâm Ngọ (1942), Ngài thọ Cụ túc Giới do Hoà thượng Bổn sư Minh Tịnh và Hoà thượng Thiện Giới làm đàn đầu, hai sư huynh Ngài là Hoà thượng Pháp Minh và Hoà thượng Thọ Thiện làm Yết ma A Xà Lê. Ngài được ban cho pháp danh là Như Trạm, hiệu Tịch Chiếu.

Năm Quí Mùi (1943), Ngài được Hoà thượng Bổn sư Minh Tịnh giao trụ trì chùa Lâm Huê, Đồng Ông Cộ, Bà Chiểu, tỉnh Gia Định. Cùng ở với Hoà thượng là Hoà thượng Thường Chiếu. Năm 1944, Hoà thượng giao chùa lại cho Thầy Thường Chiếu và trở về với Sư phụ tại chùa Tây Tạng. Vào năm 1945, do tình hình đất nước có nhiều biến chuyển, Hoà thượng Minh Tịnh cho Hoà thượng về Trung lánh nạn. Hoà thượng trở về Faifo Hội An, Quảng Nam, thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh và cùng giữ nhiều chức vụ khác như: Chủ tịch Hội Phật Giáo Cứu Quốc tỉnh Quảng Nam; Chủ tịch Sơn Môn tỉnh Quảng Nam; Trụ trì Tổ Đình Phước Lâm tỉnh Quang Nam; Phụ thẩm Toà án tỉnh Quảng Nam; Chủ tịch Hội Đồng Kinh Tế tỉnh Quảng Nam.

Cuối năm Canh Dần (1950), Hoà thượng lại vào Bình Dương để kế nghiệp trụ trì chùa Tây Tạng, sau khi Hoà thượng Bổn sư viên tịch vào năm Tân Mão (1951). Năm Quý Tỵ (1953), đảm nhận chức vụ Tổng Thư ký Lục Hoà Tăng tỉnh Bình Dương. Năm 1963, Hoà thượng làm Đại diện Giáo hội Lục Hoà Tăng, tỉnh Bình Dương và tham dự Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn.

Năm Ất Tỵ (1965), Ngài được cử vào chức vụ Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, tỉnh Bình Dương. Từ năm 1966 – 1969, Ngài đảm nhiệm chức vụ Giám đốc trường Trung học Bồ Đề Bình Dương. Năm 1976, Hoà thượng giữ chức vụ Phó ban Ban Vận động, thành lập Ban Liên Lạc Phật giáo yêu nước, tỉnh Sông Bé. Năm 1983, Hoà thượng tham dự thành lập Giáo hội Phật giáo tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương).

Ngoài việc đóng góp cho Phật sự, Giáo dục tỉnh Bình Dương, thực hành hạnh lợi tha, Hoà thượng luôn giữ tâm nguyện trùng tu chùa Tây Tạng theo di nguyện của Hoà thượng khai sơn. Năm 1958, Hoà thượng bắt đầu tu sửa nhà Đông và nhà Trù chùa Tây Tạng. Ngay 20 tháng 5 năm 1992 (nhằm ngày 18 tháng 4 năm Nhâm Thân), Hoà thượng đại trùng tu chùa Tây Tạng, công trình kéo dài đến 7 năm và lễ Lạc thành được tổ chức vào ngày 01 tháng 7 năm 1999 (nhằm ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão). Đây là một trong những ngôi chùa có kiến trúc đặc biệt theo truyền thống Kim Cương thừa.

Vào năm 2000, do tuổi cao, Hoà thượng đã uỷ thác cho Đại đức Thích Chơn Hạnh giữ vai trò trụ trì chùa Tây Tạng. Hoà thượng thượng Tịch hạ Chiếu sống đời giản dị, hơn 80 tuổi vẫn còn cuốc đất trên nương rẫy. Ngài hết lòng hướng dẫn và dạy dỗ đệ tử không những bằng ngôn giáo, mà con bằng chính thân giáo, là chỗ dựa cho toàn thể đồ chúng trên con đường tu học.

Đến như vậy đi như vậy, như thị khứ lai.

Hoà thượng Thích Tịch Chiếu thuận thế vô thường, thâu thần an nhiên viên tịch vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 04/7/2016 (nhằm ngày mùng 1 tháng 6 năm Bính Thân). Thượng thọ 105 tuổi, 74 hạ lạp, tại chùa Tây Tạng, đường Thích Quảng Đức, phường  Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Noi gương cao cả của Hoà thượng đồ chúng nguyện tinh tấn, học theo hạnh đức của Ngài để muôn một đền ơn giáo dưỡng.

Ban TT-TT PG Bình Dương