Bình Dương: Kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam với nhiều hoạt động

Kể từ ngày 18/4/1998, khắp nơi trong cả nước đều có các hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng, ngày người khuyết tật Việt Nam. Các hoạt động trong ngày người khuyết tật Việt Nam như: Trợ giúp pháp lý miễn phí, trao quà, hỗ trợ sinh kế… dành cho người khuyết tật được triển khai tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Thực hiện theo kế hoạch số: 174/KH-HBT ngày 04/4/2024 của Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, bênh nhân nghèo tỉnh Bình Dương phối hợp với Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Bình Dương về việc triển khai các hoạt động nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4/2024.

Sáng ngày 17/4/2024, tại Ủy ban Nhân dân xã Minh Hòa, huyện Dầu tiếng đã diễn ra lễ trao quà, hỗ trợ sinh kế và trợ giúp pháp lý miễn phí nhân dịp ngày khuyết tật Việt Nam (18/4) do Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo tỉnh phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức.

Buổi lễ có: Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương; ông Huỳnh Phú Quý – Phó ban Dân vận tỉnh; bà Nguyễn Khoa Diệu An – Phó ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh; ông Cao Ngọc Lộc – đại diện của Trung tâm Trợ giúp Pháp lý nhà nước tỉnh; Đại đức Thích Thiện Hưng – Phó Trưởng ban Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Bình Dương; Đại đức Thích Thiện Thanh – Phó Trưởng ban Thường trực TT-TT GHPGVN tỉnh; cùng các đại diện sở ban ngành tỉnh, Hội khuyết tật huyện Dầu Tiếng, xã Minh Hòa đồng tham dự.

Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự quan tâm của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương về công tác người khuyết tật như: Tặng 09 suất vốn hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo và cận nghèo trị giá 38,6 triệu đồng; Tặng 20 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng, tổng trị giá 20 triệu đồng; Tặng 20 chiếc xe đạo Amasa, trị giá 70 triệu đồng; Trao 100 suất quà, mỗi phần quà gồm bao thư 500 ngàn đồng và quà trị giá 300 ngàn đồng, tổng trị giá 80 triệu đồng.

Đại đức Thích Thiện Hưng – Phó Trưởng ban Trị sự, Trưởng ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Bình Dương trao bảng tượng trưng đến Bà Nguyễn Thị Kim Oanh 
Trao quà đến bà con 

Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Đến nay, số người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí đạt hơn 1,1 triệu người. Các Bệnh viện Đa khoa Trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng, 20 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường, đã thống nhất được ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi Brail trong toàn quốc.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương phát biểu

Hàng năm có khoảng 19.000 người khuyết tật được dạy nghề tạo việc làm; giới thiệu việc làm cho khoảng hơn 20.000 lượt người khuyết tật với tỷ lệ thành công đạt trên 50%, khoảng gần 40.000 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi…

Tại chương trình, Đại đức Thích Thiện Thanh cho biết: “Phật giáo đi vào cuộc sống đời thường, phát triển, đồng hành cùng dân tộc qua những thăng trầm theo lịch sử. Bởi thế, từ trước đến nay, Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Dương nói riêng, luôn thể hiện tinh thần nhập thế hành đạo, thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện – xã hội trên mọi lĩnh vực, để giúp đỡ những mảnh đời chẳng may gặp khốn khó và bất hạnh trong xã hội”.

Như các hoạt động khám và phát thuốc miễn phí tại Tổ đình Hội Khánh mỗi tháng một lần; Phiên chợ 0 đồng do Thường trực Ban Trị sự Phật giáo huyện Dầu Tiếng; tổ chức tu học và tặng quà đến người mù, người khuyết tật của chùa Thiên Quang, Bữa cơm 0 đồng tại chùa Tiên Quang vào các ngày 14,15 và 30,01 hằng tháng; Trao các suất cơm 0 đồng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh do chùa Bồ Đề Đạo Tràng và chùa Sùng Hưng mỗi tháng phát một lần; Phát 500 suất cháo vào mỗi Chủ nhật của chùa Long Thắng…..các hoạt động an sinh xã hội không chỉ là sự thể hiện tinh thần từ bi, cứu khổ ban vui của Phật giáo mà còn thể hiện của niềm tin, dù ít hay nhiều, con người thường phải đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy, bệnh tật… Trong những lúc như thế con người rất dễ bị tổn thương. Ngay lúc này, niềm tin tôn giáo đã giúp cho người ta vượt khó, vươn lên….

Chư Tăng Ni Phật giáo tỉnh Bình Dương còn là một trong những thành viên của các Hội như Hội chữ Thập đỏ, Hội Khuyến học, Hội người khuyết tật… Mỗi cá nhân là một địa chỉ đỏ nhân đạo, là thông điệp yêu thương, là cầu nối kêu gọi mạnh thường quân trợ duyên cho những mảnh đời bất hạnh, giúp an sinh xã hội. Những hành động thiện nguyện, giúp người, cứu đời của Phật giáo Bình Dương mang một ý nghĩa rất quan trọng, góp phần cùng nhau nỗ lực thực hiện an sinh, phúc lợi xã hội vì sự nghiệp phát triển cộng đồng, thể hiện mối quan hệ tốt đẹp giữa đạo và đời. Tất cả đều hướng đến thông điệp của Đại lễ Phật Đản: “Cách xây dựng niềm tin và đoàn kết của Phật giáo”, với các hoạt động trên nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng ngày càng tốt hơn.

Nguyễn Quí – Ban TT.TT PG tỉnh Bình Dương